Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Một số dị dạng sinh dục nữ

Dị dạng sinh dục là những bất thường về cấu trúc của cơ quan sinh dục, do sự rối loạn quá trình biệt hóa các bộ phận sinh dục trong thời kỳ bào thai. Ở bạn gái, những dị dạng sinh dục thường liên quan đến một số cơ quan như âm đạo, tử cung, vòi trứng... Bất kỳ một dị dạng nào đều có thể ảnh hưởng đến hoạt động tình dục cũng như chức năng sinh sản của bạn gái.

Màng trinh không thủng:

Bình thường màng trinh của bạn gái không kín bưng như tang trống mà thường có lỗ để máu kinh hàng tháng thoát ra. Tuy nhiên, có không ít trường hợp, màng trinh của bạn gái không có lỗ. Đây chính là một trong các nguyên nhân khiến bạn gái không thấy có kinh hàng tháng, dù vẫn có một số dấu hiệu của có kinh như đau tức bụng dưới, mỏi lưng, căng tức ngực...

Một số dị dạng sinh dục nữ 1
Ảnh minh họa

Do đó, nếu bạn gái đã 18 tuổi mà vẫn chưa thấy có kinh thì cần nghĩ đến hiện tượng này. Bác sĩ chỉ cần kiểm tra âm hộ là có thể phát hiện ra ngay và “tạo lỗ” ở màng trinh để hàng tháng kinh nguyệt có thể thoát ra ngoài.

Dính môi sinh dục:

Hai môi bé bị dính nhau ở mép, toàn bộ hoặc bán phần. Trường hợp này có thể che khuất âm đạo, khiến bạn gái khó giao hợp hoặc không thể giao hợp, cũng như ảnh hưởng đến việc sinh con.

Dị dạng âm đạo:

Âm đạo có cấu tạo hình ống, nối giữa âm hộ và tử cung. Trong một số trường hợp, âm đạo có thể có những dị dạng sau:

Không có âm đạo: có những bạn gái khi sinh ra đã không có âm đạo, tuy nhiên, vẫn có thể có tử cung và buồng trứng như bình thường. Trường hợp này, máu kinh cũng không thể thoát ra ngoài được nên bị đọng lại trong tử cung và tràn lên sừng tử cung. Những trường hợp này khó điều trị, phải phẫu thuật tạo hình âm đạo. Sau khi được điều trị, bạn gái có thể có quan hệ tình dục và sinh con (nếu hoạt động của buồng trứng, tử cung hoàn toàn bình thường). Những trường hợp này không sinh con theo đường âm đạo mà cần được mổ đẻ.

Teo âm đạo bẩm sinh: bạn gái vẫn có đủ 2 buồng trứng, tử cung, vòi trứng hoàn chỉnh, nhưng chỉ có phần trên âm đạo, còn phần dưới bị teo lại và bít kín. Do vậy, khi đến tuổi dậy thì, máu kinh cũng không thể thoát ra bên ngoài được, khiến bạn gái thường hay bị đau bụng, bụng dưới ngày càng to ra do bị ứ máu kinh lâu ngày. Với những trường hợp này, bác sĩ sẽ mở một đường âm đạo mới cho bạn gái.

Âm đạo có vách ngăn: hay còn gọi là âm đạo kép. Trường hợp này có hai loại:

- Vách ngăn ngang âm đạo: trong âm đạo có vách ngăn ngang âm đạo, có thể nằm ở 1/3 trên hay 1/3 giữa. Nếu vách ngăn không thủng thì sẽ có biểu hiện giống như trường hợp màng trinh không thủng. Nếu vách ngăn có thủng thì chỉ phát hiện được khi quan hệ tình dục dương vật - âm đạo.

- Vách ngăn dọc âm đạo: thường có khoảng 20% trường hợp này đi kèm với dị dạng tử cung. Vách ngăn dọc âm đạo có thể hoàn toàn suốt dọc âm đạo hoặc chỉ một phần. Biểu hiện chủ yếu là đau khi giao hợp hoặc không giao hợp được.

Ngoài ra, cả hai trường hợp này còn có thể ảnh hưởng đến việc sinh con sau này. Chính vì vậy, nếu nghi ngờ có vách ngăn âm đạo cần đi kiểm tra, bác sĩ có thể phẫu thuật để tạo hình dạng bình thường cho âm đạo.

Dị dạng tử cung:

Không có tử cung: trường hợp này bạn gái sẽ không có kinh nguyệt và không thể mang thai được. Hiện nay vẫn chưa thể thực hiện được kỹ thuật ghép tử cung nhân tạo.

Tử cung đôi: có thể có hai tử cung trong tiểu khung. Chúng có thể chung nhau một âm đạo hoặc mỗi tử cung có một âm đạo riêng biệt. Nếu chức năng của một trong hai tử cung vẫn hoàn toàn bình thường thì bạn gái vẫn có thể mang thai. Tuy nhiên, hai tử cung này hiếm khi cùng phát triển hoàn thiện, do đó, cần khám và đánh giá chức năng của mỗi tử cung. Đa phần các trường hợp này được cắt bỏ một tử cung bị thoái hóa, chỉ giữ lại tử cung hoàn thiện.

Tử cung có vách ngăn: loại dị dạng tử cung thường gặp nhất (chiếm khoảng 40%). Những trường hợp này có thể phát hiện nhờ siêu âm, chụp X-quang, soi ổ bụng. Hai tử cung có thể dính với nhau bằng một vách ngăn không hoàn toàn hoặc vách ngăn hoàn toàn. Những trường hợp này có thể ảnh hưởng đến việc mang thai, dễ gây sảy thai hoặc thai kém phát triển. Do đó, nếu phát hiện thấy tử cung có vách ngăn, bác sĩ thường phẫu thuật để tạo hình dáng bình thường cho tử cung.

Tử cung một sừng: trường hợp này tử cung chỉ có một buồng trứng và một vòi trứng nên bạn gái có thể gặp khó khăn hơn khi mang thai.

Tử cung nhi tính: đây là trường hợp tử cung kém phát triển, kích thước chỉ bằng tử cung của các bé gái. Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng này như: cơ thể phát triển không hài hòa, thiếu sự trưởng thành của nhiều chức năng, bất thường về gen, do rối loạn nội tiết (như suy tuyến giáp, suy thùy trước tuyến yên)... Những bạn gái có tử cung nhi tính thường kèm theo không có buồng trứng hay không có âm đạo do đó không mang thai được. Còn những người có buồng trứng hoạt động bình thường thì vẫn có thể có con nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.

Dị dạng buồng trứng:

Hai buồng trứng của bạn gái có chức năng nuôi dưỡng các tế bào trứng (nang trứng), giúp các nang này phát triển và phóng noãn khi trưởng thành để sinh sản. Bên cạnh đó, buồng trứng còn có chức năng sản xuất ra hoóc-môn sinh dục, điều khiển hoạt động tình dục và hoạt động sinh sản của con người. Những bất thường ở buồng trứng thường gặp:

Không có buồng trứng hoàn toàn.

Chỉ có một bên buồng trứng: có thể có hoặc không có vòi trứng kèm theo.

Thừa buồng trứng.

Vị trí buồng trứng bất thường: ở thắt lưng, bẹn.

Trong trường hợp không có cả hai buồng trứng sẽ dẫn đến hiện tượng vô sinh và những đặc điểm hình thể cũng có nhiều biến đổi. Nếu chỉ có một buồng trứng và vẫn hoạt động bình thường thì bạn gái vẫn có thể có thai.

Dị dạng vòi trứng:

Vòi trứng là cơ quan nối giữa các buồng trứng với tử cung, là nơi noãn gặp và kết hợp với tinh trùng tạo thành hợp tử và phát triển những bước đầu tiên. Một số dị dạng thường gặp ở vòi trứng như:

Vòi trứng bị chít hẹp.

Thừa vòi trứng: bình thường mỗi buồng trứng chỉ có một vòi trứng, tuy nhiên có những trường hợp bất thường có thể có hai vòi trứng ở một bên buồng trứng.

Thừa loa vòi trứng: mỗi vòi trứng chỉ có một loa vòi, song trong một số trường hợp có thể có hai loa vòi ở một vòi trứng.

Cơ quan sinh dục trong và ngoài không tương thích:

Trong quá trình phát triển biệt hóa cơ quan sinh dục, bộ phận sinh dục trong và ngoài có thể không tương thích với nhau, ví dụ, có buồng trứng, tử cung nhưng âm vật lại phì đại gần như dương vật, môi lớn sệ xuống gần như bìu (nhưng không có tinh hoàn) hoặc bộ phận sinh dục ngoài gần giống với nữ (dương vật nhỏ, ngắn, bìu nhỏ) nhưng lại không có tử cung, buồng trứng mà lại có tinh hoàn trong bìu. Những dị dạng này có từ trong giai đoạn bào thai và ảnh hưởng rất lớn đến việc xác định giới tính của trẻ sau khi ra đời. Vì vậy, nếu phát hiện sớm, có thể phẫu thuật chỉnh hình để cơ quan sinh dục trong và ngoài tương ứng với nhau và bảo tồn được chức năng của các cơ quan sinh dục. Trong những trường hợp đã lớn, đã nhận thức được về giới tính của bản thân cũng như đã phát triển thiên về giới tính nào thì có thể được chỉnh sửa cơ quan sinh dục cho phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề này vẫn còn đang được tranh cãi về mặt pháp lý.

BS. NGUYỄN MẠNH TRÍ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét